Một số vấn đề cần lưu ý khi bào chữa các vụ án về
tính mạng sức khỏe, danh dự và nhân phẩm
Khách thể của nhóm tội phạm này là những quan hệ xã hội đảm bảo quyền sống, quyền được an toàn về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của cong người. Đối tượng tác động theo nghĩa rộng của tội phạm này là con người cụ thể đã được sinh ra và chưa chết. Nếu đối tượng là người đã chết thì bị can, bị cáo có thể phạm tội chưa đạt.
MỤC LỤC
PHẦN I: KHÁI QUÁT LÝ LUẬN VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG SỨC KHOẺ, DANH DỰ VÀ NHÂN PHẨM
1. Giới thiệu chung về các tội xâm phạm tính mạng sức khoẻ danh dự và nhân phẩm
2. Một số đặc điểm cơ bản của loại tội xâm phạm tính mạng sức khoẻ danh dự và nhân phẩm
1.2 Khách thể của tội phạm
1.3 Mặt khách quan của tội phạm
1.4 Chủ thể của tội phạm
1.5 Mặt chủ quan
PHẦN II: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÂN BIỆT TỘI DANH TRONG NHÓM TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHOẺ, DANH DỰ VÀ NHÂN PHẨM
1. Phân biệt giết người chưa đạt có hậu quả gây thương tích và cố ý gây thương tích
2. Phân biệt giết người đã hoàn thành và cố ý gây thương tích dẫn tới chết người
3. Phân biệt trường hợp giết nguời trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người khác và giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
4. Phân biệt giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và làm chết người trong khi thi hành công vụ
5. Phân biệt tội hành hạ người khác, tội bức tử và làm nhục
6. Phân biệt hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cuỡng dâm và cưỡng dâm trẻ em và giao cấu với trẻ em
PHẦN II: KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA CÁC VỤ ÁN XÂM PHẠM VỀ TÍNH MẠNG SỨC KHỎE DANH DỰ NHÂN PHẨM
1. Chuẩn bị bào chữa tại phiên tòa
1.1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ; nhân phẩm, danh dự của con người.
1.2. Gặp và trao đổi với thân chủ và những người khác liên quan
2. Xây dựng bản bào chữa
3. Tham gia phiên tòa
PHẦN I: KHÁI QUÁT LÝ LUẬN VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG SỨC KHỎE, DANH DỰ VÀ NHÂN PHẨM
1. Giới thiệu chung về các tội xâm phạm tính mạng sức khỏe danh dự và nhân phẩm:
Lời nói đầu của Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội ban hành năm 1999 nêu rõ: Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao.” Như vậy, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được coi là một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ luật Hình sự. Những quyền con người được pháp luật nói chung và luật hình sự nói riêng bảo vệ là quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Vì vậy, Bộ luật Hình sự đã quy định một phần riêng biệt gồm 30 điều quy định các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người tại Chương 12. Về thứ tự, Chương 12 chỉ nằm sau Chương quy định các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia trong Phần Các tội phạm của Bộ luật Hình sự chứng tỏ tính chất quan trọng của khách thể mà luật bảo vệ. Về mức hình phạt, có tới 3/30 điều quy định mức hình phạt cao nhất của Luật Hình sự Việt Nam là tử hình.
Các tội xâm phạm tính mạng danh dự nhân phẩm được quy định trong Chương 12 có thể được chia thành 3 nhóm tội, gồm:
- Nhóm tội xâm phạm tính mạng
- Tội giết người
- Tội giết con mới đẻ
- Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
- Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
- Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
- Tội vô ý làm chết người
- Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
- Tội bức tử
- Tôi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát
- Tội không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
- Tội đe doạ giết người
- Nhóm tội xâm phạm sức khoẻ
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
- Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ngươi khác
- Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
- Tội hành hạ người khác
- Nhóm tội xâm phạm nhân phẩm và danh dự
- Tội hiếp dâm
- Tội hiếp dâm trẻ em
- Tội cưỡng dâm
- Tội cưỡng dâm trẻ em
- Tội giao cấu với trẻ em
- Tội dâm ô đối với trẻ em
- Tội lây truyền HIV cho người khác
- Tội cố ý truyền HIV cho người khác
- Tội mua bán phụ nữ
- Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em
- Tội làm nhục người khác
- Tội vu khống
2. Một số đặc điểm cơ bản của tội xâm phạm tính mạng sức khở danh dự và nhân phẩm:
2.1 Khách thể của tội phạm:
Khách thể của nhóm tội phạm này là những quan hệ xã hội đảm bảo quyền sống, quyền được an toàn về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của cong người. Đối tượng tác động theo nghĩa rộng của tội phạm này là con người cụ thể đã được sinh ra và chưa chết. Nếu đối tượng là người đã chết thì bị can, bị cáo có thể phạm tội chưa đạt. Một số điều luật nhà làm luật mô tả độ tuổi của nạn nhân. Theo nghĩa hẹp thì đối tượng tác động của nhóm tội này liên quan đến 3 nhóm tội là tính mnạg, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự của con người.
2.1 Mặt khách quan của tội phạm:
Trên thực tế hành vi phạm tội diễn ra hết sức đa dạng và phong phú phù hợp với từng loại tội phạm. Những hành vi này được thựchiện có thể bằng việc sử dụng công cụ phương tiện hoặc chỉ bằng sức người. Nhưng nhìn chung đó là hành vi có khả năng xậm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người.
Hậu quả được quy định là dấu hiệu bắt buộc trong một số cấu thành tội phạm. Trong một số trường hợp khác, hậu quả của tội phạm tuy không được quy định là dấu hiệu bắt buộc nhưng việc xác định hậu quả là cần thiết, bắt buộc giúp cho việc định khing và quyết định hình phạt đúng đắn
Trong những trường hợp cần xác định hậu quả thì đồng thời phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra
Có một số trường hợp nhà làm luật mô tả dấu hiệu mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, dấu hiẹu hoàn cảnh, phương pháp, thủ đoạn phạm tội và một số điều kiện làm cơ sở để xử lý hình sự
2.3 Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm trong nhóm tội này nhìn chung là chủ thể thường
Trong một số tội đòi hỏi chủ thể có một số dấu hiệu đặc biệt như giới tính, độ tuổi, quan hệ với nạn nhân thì cần phải xác định rõ vấn đề này.
2.4 Mặt chủ quan:
Lỗi của các tội tại chương này có thể là cố ý, hoặc vô ý tuỳ tường loại tội phạm
Động cơ mục đích phạm tội tuy ít trường hợp là dấu hiệu định tội nhưng nó là tình tiết định khung của nhiều tội phạm và có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
PHẦN II: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÂN BIỆT TỘI DANH TRONG NHÓM TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE, DANH DỰ VÀ NHÂN PHẨM
Trong nhóm tội xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, có rất nhiều tội mà mặt khách quan có nhiều điểm giống nhau, hoặc các giai đoạn thực hiện hành vi phạm tội có nhiều điểm tương đồng. Vì vậy, để có thể bào chữa và bảo vệ cho thân chủ của mình một cách chính xác và hiệu quả, luật sư cần phân biệt rõ ràng các tội này làm cơ sở cho việc đưa ra các luận cứ và chứng cứ xác thực và thuyết phục. Sau đây là một số các trường hợp cần lưu ý
1.Phân biệt giết người chưa đạt có hậu quả gây thương tích và cố ý gây thương tích
Trường hợp giết người chưa đạt chỉ xảy ra với lỗi cố ý trực tiếp vì người thực hiện hành vi phạm tội mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng hậu quả chưa xảy và chỉ có thương tích. Còn trong tội cố ý gây thương tích thì người thực hiện tội phạm chỉ mong muốn hậu quả xảy ra là thương tích
Nếu người thực hiện tội phạm giết người với lỗi cố ý gián tiếp thì không xét tới các giai đoạn thực hiện tội phạm, hoặc là người đó có tội, hoặc người đó vô tội. Nếu hậu quả có thương tích thì chỉ kết tội cố ý gây thương tích.
Trong trường hợp cố ý gây thương tích với lỗi gián tiếp, người thực hiện tội phạm có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và chấp nhận hậu quả cho dù hậu quả đó là chết người, thương tích hoặc không có hậu quả xảy ra)
Ví dụ: A và B là hai người bạn thân. Trong lúc học bài, A và B có bất đồng quan điểm với nhau và to tiếng, A hất cẳng B ngã xuống từ tầng 10 của toà nhà nhưng do có giàn hoa ở tầng 1 đỡ, A không chết và chỉ bị thương tích 15%
Trong ví dụ này, A nhận thức được hành vi nguy hiểm của mình là việc hất cẳng một người từ trên tấng 15 xuống sẽ có thể bị chết ngay lập tức. A hoàn toàn thấy trước được hậu quả sẽ xảy ra và trong trường hợp này là hậu quả chắc chắn xảy ra vì khó ai có thể sống sót nếu rơi từ tầng 10 xuống. Khi hậu quả là một điều chắc chắn xảy ra và người thực hiện hành vi có đủ điều kiện để nhận thức được điều đó thì ta không cần quan tâm đến lỗi của họ và có thể kết luận ngay đây là lỗi cố ý trực tiếp. Vì vậy A sẽ bị kết tội giết người chưa đạt
2. Phân biệt giết người đã hoàn thành và cố ý gây thương tích dẫn tới chết người
Trong trường hợp giết người, người thực hiện tội phạm có lỗi cố ý với cả hành vi giết người và hậu quả chết người. Lỗi có thể là cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp.
Trong trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi cố ý với hành vi gây thương tích và hậu quả thương tích, nhưng vô ý với hậu quả chết người vì không thấy trước được hậu quả chết người hoặc biết nhưng tin rằng hậu quả đó không thể xảy ra. Việc xác định là vô ý hay cố ý phải dựa vào các công cụ phương tiện thực hiện tội phạm, cách thức tiến hành tội phạm, hoàn cảnh cụ thể, đối tượng nạn nhân…
Ví dụ: A và B là hai đối tượng không quen biết gặp nhau trong quán bia. Do cho rằng B “nhìn đểu” mình, A đánh B. Trong cuộc ẩu đả hai bên đánh và ném vào nhau những thứ vô tình vớ được như ghế, gạch, gậy gộc. B đã dùng chai bia Hà Nội ném về phía A trong khoảng cách 15 đến 12 mét và trúng đầu A, mảnh thuỷ tinh găm vào đầu dẫn tới A vỡ sọ chết.
Trong trường hợp này cần căn cứ vào các tình tiết sau để có thể kết luận B phạm tội cố ý gây thương tích dẫn tới chết người
- Khoảng cách 12-15 mét là quá xa để có thể kết luận B chủ đích ném trúng đầu A.
- B ném chai bia về phía A nhưng không xác định được điểm rơi của chai bia, không biết có trúng hay không, nếu trúng thì không xác định được vị trí trên cơ thể mà chai bia sẽ trúng.
- Công cụ phạm tội là thứ ngẫu nhiên vô tình nhặt được trong không khí của cuộc ẩu đả quyết liệt và gay cấn.
- Động cơ phạm tội chưa đến mức thúc đẩy đến hành vi giết người
Như vậy, B có thể nhận thức được hậu quả gây ra thương tích cho người khác nếu ném chai bia vào người A nhưng không nhận thức được hậu quả chết người do hành vi của mình gây ra do khoảng cách xa và điểm rơi ngẫu nhiên. Vì vậy, B cố ý với hành vi gây thương tích và vô ý với hậu quả chết người.
3. Phân biệt trường hợp giết nguời trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người khác và giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Trước hết cần phải phân biệt trường hợp giết người do tinh thần bị kích động mạnh và giết người trong trường hợp tinh thần bị kích động. Trong trường hợp giết người trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người khác, tình tiết tinh thần bị kích động mạnh là một tình tiết định tội theo Điều 95, trong khi giết người trong trường hợp tinh thần bị kích động chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 103.
Kích động mạnh là việc người bị kích động bị hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi và kiềm chế ở mức độ cao nên lỗi bị hạn chế một phần. Kích động ở trường hợp bình thường chỉ ảnh hưởng tới khả năng nhận thức, điều khiển hành vi ở mức độ thấp.
- Về mặt chủ thể
+ Với giết người trong trường hợp bị kích động mạnh, chủ thể là người bị xâm hại lợi ích hoặc có người thân bị xâm hại lợi ích.
+ Với giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, lợi ích bị xâm hại có thể là lợi ích của nhà nước, tập thể, chính mình hoặc cá nhân khác.
- Về mặt khách quan
+ Với giết người trong trường hợp bị kích động mạnh, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đã gây nên trạng thái kích động mạnh, thường là những hành vi đã chấm dứt, cá biệt có trường hợp đang diễn ra
+ Với giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hành vi xâm hại đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra ngay tức khắc.
- Về lý do
+ Với giết người trong trường hợp bị kích động mạnh, hành vi phạm tội được thực hiện trong trạng thái bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân
+ Với giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người phạm tội đã thực hiện các biện pháp phòng vệ quá mức cần thiết dẫn đến hậu quả chết người
- Về lỗi đều là cố ý
Ví dụ: Khải, Trí và Lâm là ba anh em đã mua gạch của ông Đăng nhưng không trả tiền. Ông Đăng đã nhiều lần bị bọn Khải, Trí, Lâm là thợ đóng gạch gây sự và hành hung. Khoa – con trai ông Đăng -là bộ đội trong một lần về phép có mang theo súng. Trong quá trình thương lương, xô xát xảy ra. Khải, Trí và Lâm dùng đòn gánh, dao và xiên cỏ đuổi theo Khoa. Khoa bắn 1 phát chỉ thiên lên trời nhưng bọn chúng không dừng lại. Khoa bắn mỗi tên một phát đạn hai tên chết ngay tại chỗ còn Lâm đang rên rỉ. Khoa bước qua xác Khải và Trí bắn thêm phát thứ 4 cho Lâm chết hẳn.
Trong trường hợp này, hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã kết thúc, nạn nhân không còn khả năng tấn công nên phải loại trừ trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Việc bắn phát thứ 4 là do Khoa vẫn đang trong trạng thái bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của cả 3 người Khải, Trí và Lâm
Như vậy, Khoa phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân.
4. Phân biệt giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và làm chết người trong khi thi hành công vụ
Việc so sánh được thể hiện trong bảng sau:
Cấu thành tội phạm |
|
Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng |
Làm chết người trong khi thi hành công vụ |
Chủ thể |
|
Có thể là bất cứ ai trong đó có người đang thi hành công vụ |
Người thi hành công vụ |
Mặt khách quan |
Nguyên nhân |
Hành vi xâm hại |
Hành vi xâm hại Trường hợp khác: bắt đối tượng truy nã, bỏ chạy … |
Hậu quả |
Chết người |
Chết người |
|
Hành vi |
Đủ điều kiện để phòng vệ chính đáng nhưng vượt quá mức cho phép |
Người thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài trường hợp pháp luật cho phép |
|
Mặt chủ quan |
Lỗi |
Cố ý |
Cố ý với hành vi và có trường hợp vô ý với hậu quả chết người |
5. Phân biệt tội hành hạ người khác, tội bức tử và làm nhục
Việc phân biệt được thể hiện trong bảng sau:
Cấu thành tội phạm |
|
Bức tử |
Hành hạ |
Làm nhục |
Chủ thể |
|
Nạn nhân và người bị hại có mối quan hệ lệ thuộc |
Không hoặc không có mối quan hệ lệ thuộc |
|
Mặt khách quan |
Hành vi |
Hành hạ Ngược đãi Làm nhục |
Hành hạ (gây đau đớn về thể xác) |
Làm nhục ở mức độ nghiêm trọng |
Hậu quả |
Người lệ thuộc tự sát, có thể chết người hoặc không |
|
|
|
Mặt chủ quan |
Lỗi |
Có thể: Cố ý gián tiếp với hậu quả tự sát Vô ý với hậu quả |
Cố ý |
Cố ý |
6. Phân biệt hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cuỡng dâm và cưỡng dâm trẻ em và giao cấu với trẻ em
|
Hiếp dâm |
Hiếp dâm trẻ em |
Cưỡng dâm |
Cưỡng dâm trẻ em |
Giao cấu với trẻ em |
Chủ thể |
Nam giới |
Nam giới |
Nam giới |
Nam giới |
Nam giới thành niên |
Nạn nhân |
Từ đủ 16 tuổi trở lên |
Dưới 16 tuổi |
Từ đủ 16 tuổi trở lên Có thể: - Lệ thuộc vào người thực hiện hành vi tội phạm - Trong tình trạng quẫn bách |
Từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi Có thể: - Lệ thuộc vào người thực hiện hành vi tội phạm - Trong tình trạng quẫn bách |
Từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi |
Chủ quan của nạn nhân |
Không chấp nhận việc giao cấu |
- 13-16 tuổi:Không chấp nhận việc giao cấu - Dưới 13 tuổi: bất kể chấp nhận, miễn cưỡng, hay không chấp nhận |
Miễn cưỡng chấp nhận |
Miễn cưỡng chấp nhận |
Đồng tình |
Hành vi khách quan |
Dùng vũ lực đe doạ dùng vũ lực Sử dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân Thủ đoạn khác để giao cấu với nạn nhân |
- Với nạn nhân từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi: các hành vi như hiếp dâm nêu bên - Với nạn nhân dưới 13 tuổi: dù cưỡng bức hay thuận tình, mọi hành vi giao cấu đều là hiếp dâm |
Dùng thủ đoạn khiến người lệ thuộc hoặc quẫn bách miễn cưỡng giao cấu |
Dùng thủ đoạn khiến người lệ thuộc hoặc quẫn bách miễn cưỡng giao cấu |
Hành vi giao cấu thuận tình |
PHẦN II: KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA CÁC VỤ ÁN XÂM PHẠM VỀ TÍNH MẠNG SỨC KHỎE DANH DỰ NHÂN PHẨM
1. Chuẩn bị bào chữa tại phiên tòa
Hoạt động bào chữa tại phiên toà là kết quả của quá trình lao động công phu, sáng tạo và cần mẫn của Luật sư với nhiệm vụ thu thập chứng cứ, tài liệu khách quan của vụ án để bảo vệ cho quyền lợi của thân chủ mình. Bản bào chữa là sự kết tinh những giá trị pháp lý được thu thập, đánh giá, lập luận và chứng minh với mục đích thuyết phục Hội đồng xét xử, góp phần tạo lập cơ sở để Hội đồng xét xử ra một phán quyết phù hợp mà Luật sư cho rằng phán quyết đó bảo vệ được cao nhất quyền và lợi ích chính đáng của thân chủ. Trước khi bào chữa tại phiên toà, Luật sư có rất nhiều các hoạt động khác nhau.
1.1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ; nhân phẩm, danh dự của con người.
Nghiên cứu hồ sơ là hoạt động của Luật sư khi tham gia bào chữa cho bất kỳ bị can, bị cáo thuộc loại vụ án nào. Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, Luật sư tiếp cận với các chứng cứ của vụ án làm cơ sở cho việc hình thành luận cứ bào chữa. Ngoài việc tuân thủ phương pháp cũng như mục đích, yêu cầu của việc nghiên cứu hồ sơ của một vụ án nói chung, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người Luật sư cần chú ý một số vấn đề sau :
- So với hồ sơ của nhiều loại vụ án khác, hồ sơ của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự thường không quá nhiều bút lục. Song không vì thế mà Luật sư được phép nghiên cứu hồ sơ qua loa, sơ sài.
- Trong hồ sơ các tội phạm này thì tài liệu của cơ quan y tế, cơ quan giám định, lời khai và các vật chứng là những tài liệu quan trọng chứng minh có hay không hành vi phạm tội. Luật sư cần phải nghiên cứu, xem xét toàn diện các chứng cứ này.
Đối với tài liệu của cơ quan y tế, cơ quan giám định, Luật sư cần xác định xem tài liệu đó có được hình thành một cách hợp pháp không ? Có được thu thập theo đúng trình tự luật định không? Nội dung của những tài liệu này có phản ánh được sự thật khách quan của vụ án hay không? Để đánh giá được một cách chính xác tài liệu của cơ quan y tế, cơ quan giám định, Luật sư cần có những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề này. Trong trường hợp cần thiết Luật sư có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về các kết quả mà tài liệu đó thể hiện, từ đó có định hướng cho việc cỏ đề nghị giám định lại hay không. Khi nghiên cứu các tài liệu kể trên, luật sư cần ghi chép đẩy đủ chính xác từng nội dung, từng chi tiết nhỏ để khi cần thiết tham khảo các chuyên gia, chúng ta có thể cung cấp cho họ các thông tin có liên quan một cách đầy đủ, chính xác.
Đối với lời khai của bị can, bị cáo, người bị hại, nhân chứng trong các vụ án này: thực tế cho thấy, có nhiều mâu thuẫn, nhiều nội dung không khớp nhau. Trên cơ sở tổng hợp với các chứng cứ khác, Luật sư cần cần tìm ra đâu là chứng cứ bản chất, khách quan từ đó định hướng cho việc hình thành luận cứ bào chữa. Khi nghiên cứu nội dung mỗi lời khai, Luật sư cần xác định rõ là vì sao họ biết được tình tiết đớ. Trong hoàn cảnh cụ thể đó họ có thể biết được tình tiết đó hay không? Họ trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy hay qua lời kể của người khác? Họ kể lại một cách khách quan hay suy đoán, tưởng tượng ?
- Cần quan tâm đến biên bản đối chất và biên bản nhận dạng trong hồ sơ vụ án cũng như việc thực nghiệm điều tra. Trong thực tế, do lời khai của những người liên quan đến vụ án có nhiều mâu thuẫn nên cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành đối chất. Luật sư cần nghiên cứu kỹ nội dung của các biên bản đối chất đó, thông qua đó tìm ra những chứng cứ khách quan. Trong trường hợp lẽ ra phải tiến hành đối chất và việc đối chất sẽ có lợi cho thân chủ, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chưa tiến hành đối chất thì Luật sư đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành đối chất.
Biên bản nhận dạng cũng là một tài liệu hết sức quan trọng nhằm xác định chính xác người phạm tội. Về nguyên tắc, chỉ trong trường hợp cần thiết cơ quan tiến hành tố tụng mới tổ chức nhận dạng. Nếu trong hồ sơ đã có biên bản nhận đang thì Luật sư nghiên cứu kỹ biên bản này nhằm xác định tính hợp pháp và có căn cứ của nó. Nếu cơ quan có thẩm quyền chưa tổ chức nhận dạng trong trường hợp cần nhận dạng và việc nhận dạng có thể có lợi cho thân chủ mình thì Luật sư đề nghị nhận dạng. Trong trường hợp cần thiết phải tiến hành thực nghiệm điều tra mà cơ quan tiến hành tố tụng chưa tiến hành thì Luật sư cũng đề nghị để cơ quan này tiến hành thực nghiệm điều tra.
+ Cần xác định các vật chứng (công cụ, phương tiện) trong vụ án. Cần xem xét vật chứng trong mối quan hệ với kết quả giám định, với những gì còn để lại trên thân thể (thi thể) nạn nhân. Khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư cần xác định xem vật chứng đó có được thu thập hợp pháp không ? Thực tế nó có liên quan đến vụ án hay không ? Trong những vụ án gây ra cái chết hoặc thương tích cho nạn nhân, Luật sư cần phải xem xét tính năng, tác dụng, cấu tạo của công cụ, phương tiện và những vết thương để lại trên thân thể (thi thể) nạn nhân xem có phù hợp hay không? Cách thức sử dụng công cụ, phương tiện như vậy cùng với tính năng của công cụ, phương tiện thì liệu có gây ra được hậu quả như đã xảy ra hay không? Ngoài việc xác định chính xác nguồn gây thương tích cũng cần phải xác định thời điểm gây thương tích. Cũng có nhiều trường hợp người bị hại còn bị thương tích do nguồn khác hoặc bị gây ra ở một thời điểm khác. Trong trường hợp này thân chủ không phải chịu trách nhiệm đối với thương tích này.
+ Khi nghiên cứu hồ sơ Luật sư cần phải quan tâm xác định mối quan hệ giữa bị can, bị cáo với người bị hại, người làm chứng và những người khác có liên quan. Việc xác định chính xác các mối quan hệ này có thể cho phép xác định độ tin cậy, tính khách quan của các lời khai. Phải xác định xem giữa bị can, bị cáo với người bị hại, người làm chứng có thù hằn, mâu thuẫn gì không? Giữa người làm chứng với người bị hại có mối quan hệ thân thiết gì không? Người làm chứng có bị đe doạ, mua chuộc hay không ? ...
+ Hoàn cảnh và động cơ phạm tội cũng là một vấn đề quan trọng Luật sư cần quan tâm khi nghiên cứu hồ sơ. Luật sư phải trả lời câu hỏi: Bị can, bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh, thời gian, địa điểm nào ? Hoàn cảnh đó có thực hiện được hành vi phạm tội không ? Nếu thực hiện được thì các yếu tố nói trên chi phối như thế nào đến hành vi phạm tội ? Trong trường hợp động cơ thúc đẩy hành vi phạm tội là động cơ tích cực thì Luật sư cần làm rõ để có thể chuyển tội danh (Nếu do phòng vệ mà vượt quá dẫn đến chết người thì bị cáo chỉ bị xét xử về tội "giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" (Điều 96 BLHS) vôi mức hình phạt nhẹ chứ không bị xử về tội "giết người" (Đ93 BLHS).
+ Xem xét các tình tiết tăng nặng định khung mà Viện kiểm sát truy tố có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không ?
+ Các tài liệu tố tụng cũng cần phải được đọc kỹ xem có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không? Bị can, bị cáo có bị ép cung, bức cung hay không? Nếu nghi ngờ thân chủ bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì có thể đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.
+ Ngoài việc xác định các tài liệu chứng minh trách nhiệm hình sự, Luật sư cần xem xét yêu cầu bồi thường của phía bị hại xem có phù hợp không ? Những yêu cầu nào không hợp pháp, không phù hợp với thực tế khách quan thì đề nghị toà không chấp nhận.
+ Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Luật sư đồng thời hình thành các câu hỏi cần làm rõ hoặc khi gặp thân chủ hay những người có liên quan.
1.2. Gặp và trao đổi với thân chủ và những người khác liên quan
Gặp và trao đổi với thân chủ
Việc gặp thân chủ cũng có ý nghĩa bắt buộc như việc nghiên cứu hồ sơ, bởi thông qua thân chủ Luật sư có thêm nhiều thông tin, chứng cứ, hiểu được đầy đủ nguyện vọng, mong muốn của họ. Khi gặp và trao đổi với những bị can, bị cáo phạm các tội thuộc chương này, Luật sư cần lưu ý một số vấn đề sau :
+ Nhìn chung bị can, bị cáo phạm các tội này có trình độ học vấn không cao, hiểu biết xã hội hạn chế, nhiều người có nhân thân xấu, vì vậy Luật sư cần gần gũi phân tích để họ hiểu được các quy định của pháp luật cũng như hành vi của họ thực hiện.
+ Cần hỏi thân chủ xem có phải chính họ là người thực hiện hành vi hay không? Những điều họ khai với cơ quan điều tra, viện kiểm sát có dúng như thực tế hay không ? Họ thực hiện hành vi do động cơ nào thúc đẩy? Họ có bị xúi giục, ép buộc không ? Có những người nào tham gia thực hiện hành vi cùng với họ hay là chỉ một mình họ ?
+ Trong một số trường hợp do xấu hổ hoặc do muốn che giấu hành vi đã thực hiện, bị can, bị cáo thường quanh co, che giấu những điều đã làm (đặc biệt đối với những trường hợp phạm tội về tình dục), do vậy luật sư cần kiên trì giải thích, thuyết phục để họ trình bày sự thật, từ đó có hướng bào chữa tại phiên toà.
+ Luật sư cũng cần yêu cầu thân chủ cung cấp chứng cứ về những tình tiết giảm nhẹ, những đặc điểm tốt thuộc về nhân thân để làm cơ sở đề nghị Toà án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
+ Đề nghị thân chủ (hoặc gia đình họ) trong điều kiện có thể cần tiến hành bồi thường cho bị hại, gặp xin lỗi và động viên bị hại (hoặc gia đình họ) để có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ và nhận thái độ tốt của bị hại và gia đình tại phiên toà:
+ Trao đổi với thân chủ để họ trả lời các câu hỏi ngắn gọn, đúng ý, tránh việc trình bày quá dài dòng, lan man thiếu trọng tâm. Ðồng thời cũng phân tích cho họ hiểu các quy định của pháp luật về tội danh mà Viện kiểm sát truy tố để họ có thể trả lời câu hỏi sao cho có lợi cho mình. Ðặc biệt nhắc thân chủ cần có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng khác.
+ Trao đổi để thân chủ có thể chủ động chuẩn bị trước nội dung, hình thức thể hiện phần bào chữa của họ cũng như lời nói sau cùng tại phiên toà.
Gặp và trao đổi với những người liên quan khác
+ Ðối với người bị hại: Việc gặp gỡ, trao đổi với người bị hại là rất cần thiết. Luật sư có thể gặp gỡ người bị hại (hoặc gia đình họ để hỏi thêm về một số chi tiết của vụ án, động viên, an ủi họ để tránh sự căng thẳng tại phiên toà có thể sẽ bất lợi cho bị cáo.
+ Ðối với người làm chứng: Chỉ gặp gỡ, trao đổi với người làm chứng khi thấy cần thiết (thường là thấy lời khai của họ mâu thuẫn, họ đã bị mua chuộc cưỡng ép). Khi gặp người làm chứng luật sư có thể mang theo máy ghi âm hoặc đối với lời khai của họ có lợi cho thân chủ, sau khi lấy lời khai có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận. Luật sư cũng cần giải thích trách nhiệm khai báo trung thực, chính xác của người làm chứng để họ ý thức đầy đủ hơn về vấn để này.
2. Xây dựng bản bào chữa
Bản bào chữa là kết quả của quá trình nghiên cứu, xem xét và đánh giá các chứng cứ của Luật sư. Mục đích cuối cùng của bản bào chữa là thuyết phục được Hội đồng xét xử giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật và đảm bảo được cao nhất quyền lợi của thân chủ mình. Tuỳ vào khả năng và kinh nghiệm cá nhân mà Luật sư có thể xây dựng bản bào chữa theo hai hình thức:
- Bản bào chữa đầy đủ
- Bản bào chữa sơ lươc: Sẽ phân tích, lập luận, bổ sung tại phiên toà.
Dù bản bào chữa ở hình thức nào thì cũng cần tập trung vào một trong những hướng sau đây:
* Thứ nhất: Trong trường hợp bào chữa theo hướng không phạm tội cần phải làm rõ những căn cứ pháp lý chứng minh điều đó, có thể là:
+ Thân chủ hoàn toàn không có hành vi phạm tội
+ Tuy thân chủ thực hiện hành vi nhưng hậu quả xảy ra không phải là kết quả của duy nhất hành vi đó.
+ Tài liệu y học, tài liệu giám định không đủ cơ sở để buộc tội thân chủ (nạn nhân chết do tự sát chứ không phải do thân chủ giết, thương tích chưa đủ để phải chịu trách nhiệm hình sự, lông tóc để lại trên hiện trường trong vụ án hiếp dâm là của người khác chứ không phải của thân chủ...)
+ Hành vi không thoả mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm (thân chủ không có lỗi, không thoả mãn dấu hiệu chủ thể đặc biệt, hành vi không được coi là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm...)
+ Lời khai của người làm chứng, của người bị hại, của các bị cáo liên quan cũng như những tài liệu khác không đủ chứng minh hành vi của bị cáo là phạm tội.
+ Thân chủ thực hiện hành vi do phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết hay sự kiện bất ngờ.
* Thứ hai: Bào chữa theo hướng chuyển sang tội danh nhẹ hơn cho thân chủ.
Ở Chương này có rất nhiều tội danh có cấu thành tội phạm gần giống nhau và vì vậy nên mức hình phạt cũng khác nhau. Nếu thân chủ của mình bị truy tố về tội có khung hình phạt nặng mà có đủ cơ sở để bào chữa sang tội danh khác có hình phạt nhẹ hơn thì Luật sư phải chuyển ngay sang hướng này. Ví dụ: Từ tội "giết người" sang tội "giết người do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng"" hay tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" hoặc từ tội "hiếp dâm" sang tội “cưỡng dâm"...
Trong những trường hợp này Luật sư cần bám chắc vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội nhẹ hơn, từ đó đối chiếu với các tình tiết của vụ án để phân tích, lập luận, thuyết phục Hội đồng xét xử. Khi chứng minh rằng hành vi của bị cáo cấu thành một tội danh nhẹ hơn thì đồng thời phải chứng minh rằng hành vi đó không thoả mãn các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm mà Viện kiểm sát truy tố.
* Thứ ba: Bào chữa theo hưởng giảm nhẹ cho thân chủ
Trong trường hợp này Luật sư cần xây dựng một bản bào chữa thuyết phục mà nền tảng của nó là những vấn đề sau:
- Tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra.
- Hoàn cảnh, điều kiện thực hiện hành vi phạm tội.
- Thái độ của bị cáo tại phiên toà, trước cơ quan điều tra.
- Sự ăn năn, hối cải, sự khai báo thành khẩn.
- Vấn đề bồi thường, thành tích trong sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác.
- Bị cáo bị rủ rê, lôi kéo, do hoàn cảnh gia đình.
- Nhận thức của bị cáo...
* Thử tư: Bào chữa theo hướllg trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại.
Trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án, qua việc thẩm vấn tại phiên tòa, đối chiếu với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nếu thấy có căn cứ, luật sư có thể đề nghị toà trả hồ sơ điều tra lại hoặc điều tra bổ sung (tuỳ theo cấp xét xử)
3. Tham gia phiên tòa:
- Trong phần khai mạc phiên toà:
+ Nắm danh sách người làm chứng mà toà triệu tập. Nếu thiếu người làm chứng quan trọng và có lợi cho thân chủ thì đề nghị hoãn phiên toà.
+ Trong trường hợp cần giám định viên có mặt tại phiên toà để giải thích kết quả giám định thì đề nghị toà triệu tập giám định viên.
+ Nếu thiếu vật chứng để đưa ra xem xét tại phiên toà thì đề nghị toà giải quyết vấn đề này, nếu xét thấy có lợi cho thân chủ.
- Trong phần xét hỏi:
+ Ghi chép đầy đủ những vấn đề cần thiết mà những người tham gia tố tụng đã trả lời Hội đồng xét xử, kiểm sát viên và những người khác.
+ Cần bổ sung kịp thời những câu hỏi cần thiết sau khi đã nghe xét hỏi (ngoài những câu hỏi đã chuẩn bị trước khi mở phiên toà).
+ Khi xét hỏi cần hỏi dứt khoát và xoáy sâu vào những mâu thuẫn nhằm đảm bảo có lợi cho thân chủ mình. Ngoài những câu hỏi trực tiếp, trong trường hợp đối tượng được hỏi chuẩn bị trước nội dung trả lời, Luật sư cần đặt ra câu hỏi từ xa.
+ Ðối với thân chủ của mình, Luật sư nên đặt ra những câu hỏi rõ ràng để họ có cơ hội trình bày, lý giải về những điều có lợi cho bản thân họ trước Hội đồng xét xử.
+ Trong trường hợp bản giám định có những mâu thuẫn và có giám định viên tham gia phiên toà thì cần đặt câu hỏi xoáy sâu vào những mâu thuẫn đó.
- Trong phần tranh luận:
+ Cần bám vào nội dung cáo trạng và bản luận tội của Viện kiểm sát cũng như ý kiến của bị hại và quan điểm của Luật sư bảo vệ họ để đưa ra những luận điểm phù hợp mang tính thuyết phục cao.
+ Cần phối hợp với thân chủ để tạo ra hiệu quả của việc bào chữa.
+ Các luận điểm đưa ra phải dễ hiểu, ngắn gọn, tập trung đồng thời phải nêu rõ chứng cứ đó được thể hiện ở bút lục nào.
+ Ngôn ngữ, giọng điệu vừa đanh thép, vừa nhẹ nhàng tình cảm khi cần.
- Trong phần tuyên án:
Luật sư cần theo dõi và ghi chép việc HÐXX tuyên phạt thân chủ của mình về tội danh gì, mức phạt cụ thể như thế nào, mức bồi thường bao nhiêu để sau phiên toà giúp thân chủ kháng cáo theo đúng luật định.