LUẬT VIỆT THANH
  
Góc luật sư » Từ 21/5/2014: Luật sư phải tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

Từ 21/5/2014: Luật sư phải tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

Ngày 07/4/2014, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BTP quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/5/2014. Theo Thông tư này, luật sư có trách nhiệm tham gia đầy đủ thời gian bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và được lựa chọn nội dung, chương trình bồi dưỡng phù hợp với lĩnh vực hành nghề của mình. Thời gian tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư tối thiểu là 02 ngày làm việc/năm (16 giờ làm việc/năm). Các tổ chức thực hiện lớp bồi dưỡng bao gồm: Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đoàn luật sư; cơ sở đào tạo nghề luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.
Đoàn luật sư, cơ sở đào tạo nghề luật sư và tổ chức hành nghề luật sư thực hiện lớp bồi dưỡng sau khi có ý kiến thống nhất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về nội dung, chương trình, tài liệu và kế hoạch bồi dưỡng. Hàng năm, trên cơ sở thống nhất ý kiến với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đoàn luật sư quyết định danh sách các tổ chức hành nghề luật sư đủ năng lực, điều kiện thực hiện lớp bồi dưỡng và công bố danh sách trên trang thông tin điện tử của đoàn luật sư hoặc thông báo tại trụ sở của đoàn luật sư.
Nội dung của lớp bồi dưỡng bao gồm: cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật; kỹ năng hành nghề luật sư chuyên sâu theo từng lĩnh vực; kỹ năng quản trị, tổ chức hành nghề luật sư; quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Tài liệu của lớp bồi dưỡng phải do các luật sư hoặc chuyên gia pháp luật có uy tín, kinh nghiệm biên soạn.
Luật sư được miễn tham gia lớp bồi dưỡng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tham gia giảng dạy tại lớp bồi dưỡng do các tổ chức nói trên thực hiện;
- Tham gia giảng dạy về pháp luật, kỹ năng hành nghề luật sư, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư;
- Tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về luật sư và hành nghề luật sư ở nước ngoài.
Thời gian tham gia một trong các hình thức nói trên ít nhất phải bằng thời gian tham gia bồi dưỡng theo quy định là 02 ngày làm việc/năm (16 giờ làm việc/năm).
Luật sư có trách nhiệm gửi đoàn luật sư nơi luật sư là thành viên một trong các giấy tờ sau để chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trước ngày 15/12 hàng năm: giấy chứng nhận do các tổ chức thực hiện lớp bồi dưỡng cấp; giấy xác nhận tham gia giảng dạy do các tổ chức thực hiện lớp bồi dưỡng cấp; giấy xác nhận tham gia giảng dạy do cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư cấp; chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc giấy tờ khác chứng minh việc tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về luật sư và hành nghề luật sư ở nước ngoài.
Thực hiện các quy định tại Thông tư này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có trách nhiệm sau đây:
1. Xây dựng nội dung, chương trình, tài liệu, kế hoạch bồi dưỡng hàng năm và phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp.
2. Quy định khung mức thu học phí của luật sư tham gia lớp bồi dưỡng, đối tượng miễn, giảm học phí tham gia lớp bồi dưỡng sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp.
3. Chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả của lớp bồi dưỡng do đoàn luật sư cơ sở đào tạo nghề luật sư và tổ chức hành nghề luật sư thực hiện.
4. Lập danh sách các luật sư trên phạm vi toàn quốc thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng hàng năm và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
5. Hướng dẫn, theo dõi, giám sát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng trên phạm vi toàn quốc.
6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư theo quy định của Luật Luật sư, Thông tư này và Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
7. Trước ngày 31/12 hàng năm hoặc theo yêu cầu, báo cáo Bộ Tư pháp về việc thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng của luật sư trong phạm vi cả nước.
 

Đối tác - Khách hàng