Bảo đảm bình đẳng trong quan hệ tố tụng
Đáng chú ý, Luật Luật sư tại Điều 22 đã quy định luật sư: "Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật". Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định: "Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của bộ luật này".
Thế nhưng, thời gian qua vẫn tồn tại một thực trạng đáng buồn là nhiều luật sư bị cản trở hoạt động từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong nhiều cuộc hội thảo về nghiệp vụ do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức hoặc hội nghị của các đoàn luật sư, một số ý kiến đã nêu lên những vụ việc cụ thể luật sư bị cản trở, hoặc gây khó khăn trong hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng của mình. Các trường hợp bị cản trở, gây khó khăn chủ yếu là việc cấp giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của luật sư; việc gặp bị can, bị cáo. Từ khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập (năm 2009) đến nay, tổ chức này đã nhận được 54 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư, trong đó phần lớn đề nghị Liên đoàn can thiệp, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư bị cản trở từ phía cơ quan tiến hành tố tụng. Khi luật sư bị cản trở, gây khó khăn thì không chỉ quyền hành nghề của luật sư bị hạn chế, bị xâm phạm mà quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự vì thế cũng bị hạn chế, xâm phạm. Đáng tiếc là, các trường hợp lạm quyền, vi phạm pháp luật của các cá nhân trong các cơ quan tiến hành tố tụng cản trở hoạt động hợp pháp của luật sư lại chưa được xử lý kịp thời, thích đáng theo quy định của pháp luật, cho nên tình trạng này vẫn đang gây bức xúc cho giới luật sư.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần tạo sự bình đẳng trong quan hệ tố tụng, kiên quyết xóa bỏ quan hệ xin-cho trong tố tụng, nâng cao địa vị pháp lý của luật sư trong các quan hệ tố tụng để luật sư tích cực hơn nữa bảo vệ công lý, bảo vệ quyền công dân, quyền con người và bảo vệ pháp chế; góp phần ngăn ngừa, kiểm soát việc lạm quyền, vi phạm pháp luật của các cá nhân trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Mặt khác, khi quyền hành nghề hợp pháp của luật sư được bảo đảm thực hiện, thì cũng có nghĩa là: "quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm" (Khoản 7, Điều 103, Hiến pháp (sửa đổi)). Đặc biệt, Khoản 4, Điều 31, Hiến pháp (sửa đổi) đã quy định: "Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa". Đây là một trong những quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, do đó mọi hành vi cản trở quyền này, trong đó có quyền "nhờ luật sư bào chữa" cần được coi là vi hiến và phải xử lý nghiêm theo quy định tại Điều 91 Luật Luật sư: "Người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoặc cản trở luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật".
VŨ THẾ LÂN
Nguồn tin: Báo Nhân dân (số ra ngày 17/4/2014)