LUẬT VIỆT THANH
  
Tin tức trong ngày » Xung quanh vụ cưỡng chế nhà 3E Bùi Thị Xuân- Đà Lạt : Có hay không sự lạm quyền của chấp hành viên?

BÁO CÔNG LÝ : HỒ SƠ CÔNG TỐ - KIỂM SÁT TƯ PHÁP

XUNG QUANH VỤ CƯỠNG CHẾ NHÀ 3E BÙI THỊ XUÂN- ĐÀ LẠT

CÓ HAY KHÔNG SỰ LẠM QUYỀN CỦA CHẤP HÀNH VIÊN?

·        Vụ việc tranh chấp giữa các bên liên quan được khép lại nhanh chóng bởi “Quyết Định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” số 40/2011/ QĐST- DS ngày 22/07/2011 của TAND thành phố Đà Lạt và Quyết định số 1136/2011/QĐST-KDTM ngày 20/7/2011 của TAND TP.HCM.

·        Để thi hành các Quyết định thi hành án của Chi cục thi hành án Tp. Đà Lạt, bà Lê Thu Bạch Thủy- Chủ Doanh nghiệp tư nhân Bạch Thủy, đã cố gắng tìm mọi cách để chấp hành. Tuy nhiên, từ đây, xuất hiện liên tục những động thái bất thường trong xử lý thi hành án mà chấp hành viên (ông Nguyễn Ngọc Thiện) đã tác động vào với những dấu hiệu lạm quyền trắng trợn, khó hiểu.

VỤ VIỆC TRANH CHẤP VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA :

Theo hồ sơ, tháng 6 năm 2010, bà Lê Thu Bạch Thủy, trú tại Quận 7, Tp. HCM đã mua của vợ chồng bà Thái Thị Hương và ông Bùi Quý Sinh khu nhà, đất ở số 3E Bùi Thị Xuân và nhà đất không số đường Lý Tự Trọng, P.2, Tp. Đà Lạt để kinh doanh khách sạn. Tuy nhiên do không đủ tài chính nên bà Thủy còn nợ của vợ chồng bà Hương ông Sinh số tiền 3 tỷ đồng, ngoài ra bà Thủy còn vay của Ngân hàng Việt Á tại Tp. HCM 18 tỷ đồng với tài sản thế chấp là toàn bộ số tài sản nhà đất nói trên. Qua gần một năm cho đến khi “đưa nhau đến chốn công đường”, bà Thủy đã cố gắng xoay xở để trả nợ, nhưng chưa trả được.

Tại Quyết Định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 40/2011/ QĐST- DS ngày 22/07/2011 của TAND thành phố Đà Lạt nêu rõ : Bà Lê Thu Bạch Thủy có trách nhiệm thanh toán cho bà Thái Thị Hương và ông Bùi Quý Sinh số tiền chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất còn thiếu là 4,088 tỷ đồng (bao gồm tiền lãi), ngoài ra, kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật và bà Hương, ông Sinh có đơn yêu cầu thi hành án thì hàng tháng bà Thủy còn phải chịu thêm một khoản lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán …

Về phía Ngân hàng TMCP Việt Á, tại Quyết định số 1136/2011/QĐST-KDTM ngày 20/7/2011 của TAND TP.HCM đã nêu : Bà Lê Thu Bạch Thủy- Chủ DNTN Bạch Thủy có trách nhiệm thanh toán cho Ngân hàng TMCP Việt Á số tiền vốn và lãi còn nợ đến ngày 12/7/2011 là 20.718.041.254 đồng. Nếu quá thời hạn thanh toán mà bà Lê Thu Bạch Thủy chưa thanh toán hết toàn bộ số nợ thì Ngân hàng TMCP Việt Á có quyền yêu cầu Cục THADS TP.HCM phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho Ngân hàng …

Như vậy, vụ việc tranh chấp và các quyết định của Tòa án đều rất rõ ràng, tinh thần thiện chí của các bên liên quan đều hướng vào việc “có vay có trả” và tạo điều kiện để bản án kết thúc tốt đẹp. Thế nhưng, do những khó khăn về khách quan nên bà Thủy chưa thể đáp ứng được “thỏa thuận”, từ đó dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc sau này và những động thái không bình thường của ông Nguyễn Ngọc Thiện- chấp hành viên CCTHADS Tp. Đà Lạt trong việc thực thi pháp luật về thi hành án, khiến bà Thủy vì quá bức xúc mà phải đưa đơn khiếu nại.

SỰ “NHIỆT TÌNH” KHÓ HIỂU CỦA ÔNG CHẤP HÀNH VIÊN

Theo yêu cầu của bà Thái Thị Hương, ngày 01/9/2011, Chi cục THADS Tp. Đà Lạt ra quyết định thi hành án số 305/QĐ-TĐTHA, giao cho chấp hành viên Nguyễn Ngọc Thiện thực hiện. Từ đây, hàng loạt hành động bất thường xảy ra :

* Từ việc cưỡng chế kê biên bán đấu giá tài sản đã thế chấp ngân hàng có giá trị gấp nhiều lần giá trị phải thi hành án :

Trong khi toàn bộ tài sản nhà đất của bà Lê Thu Bạch Thủy đã được thế chấp cho Ngân hàng TMCP Việt Á, tại thời điểm tháng 10/2011 Ngân hàng Việt Á chưa yêu cầu thi hành án, nhưng ngày 3/10/2011, chấp hành viên Nguyễn Ngọc Thiện đã ra Quyết định số 01/QĐ-CCTHA về việc cưỡng chế thi hành án bằng biện pháp kê biên bán đấu giá toàn bộ cả 2 căn  nhà đất tại địa chỉ 3E Bùi Thị Xuân và căn nhà (không số) đường Lý Tự Trọng (có tổng giá trị theo kết quả định giá là 27.803.186.000 đồng tỷ đồng), để buộc bà Lê Thu Bạch Thủy trả số nợ 4,088 tỷ đồng cho vợ chồng bà Thái Thị Hương!

Trao đổi về việc này, luật sư Trần Văn Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng chấp hành viên đã thực hiện trái với quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009, qui định “việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết”. Ở đây yêu cầu của bà Hương là trả số tiền 4,088 tỷ đồng, nhưng chấp hành viên đã kê biên bán đấu giá toàn bộ cả 2 căn nhà đất số 3E Bùi Thị Xuân và căn nhà đường Lý Tự Trọng- là tài sản có thể phân chia được- có tổng giá trị vượt quá nhiều lần nghĩa vụ thi hành án của bà Lê Thu Bạch Thủy đối với vợ chồng bà Thái Thị Hương, chưa kể tài sản này đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Á.

* Đến việc thi hành trái nội dung bản án, cố ý tước bỏ quyền lợi của người phải thi hành án :

Bà Lê Thu Bạch Thủy bức xúc trình bày : Trong lúc đang rất tích cực giải quyết việc thi hành án (nhiều lần giảm giá tài sản nhà đất của bà Thủy để bán đấu giá), chấp hành viên Nguyễn Ngọc Thiện còn đề xuất các cơ quan chức năng can thiệp vào hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân Bạch Thủy, đặc biệt, ngày 29/5/2013, CHV Thiện đã có công văn số 481/CV-CCTHA gửi Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Lâm Đồng, đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh lưu trú tại địa điểm khách sạn Bạch Thủy II- số 3E Bùi Thị Xuân. Từ sự “tham mưu” có ẩn ý này, hệ lụy là giấy phép kinh doanh khách sạn Bạch Thủy II, chi nhánh tại 3E Bùi Thị Xuân bị thu hồi, khiến khách sạn phải đóng cửa và toàn bộ 20 nhân viên lao động bị mất việc làm. Như vậy, chỉ bằng một công văn đề nghị thu hồi giấy phép, ông Thiện đã biến khách sạn Bạch Thủy II từ một khách sạn đầy giá trị với gần 70 phòng đang hoạt động, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người, phải đóng cửa, trở thành một căn nhà trống mất hẳn giá trị thực của nó.

Theo luật sư Thanh thì đây là một văn bản kiến nghị trái luật, tước bỏ những quyền lợi hợp pháp và gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà Lê Thu Bạch Thủy cũng như cho doanh nghiệp Bạch Thủy. Nội dung “thu hồi giấy phép kinh doanh” không có trong quyết định của Tòa, cũng không được qui định trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án của Luật thi hành án dân sự. Theo qui định thì cho đến khi người phải thi hành án có thể tự thi hành, hoặc bán được nhà theo thủ tục đấu giá, người phải thi hành án vẫn có quyền khai thác, sử dụng nhà đất của mình. Hơn nữa, trong thời gian chờ bán đấu giá tài sản, thì bà Thủy vẫn phải chịu lãi suất cho toàn bộ số nợ mà mình đang có trách nhiệm thanh toán, thiết nghĩ việc kinh doanh khách sạn là một hoạt động chính đáng giúp bà Thủy có nguồn thu để trả nợ. Ngoài ra, việc khách sạn hoạt động ổn định cũng là một điều kiện nhằm thu hút người mua tài sản, nay khách sạn đóng cửa, thì bà Thủy ngoài việc mất nguồn thu chính đáng, còn mất đi cơ hội bán được tài sản theo đúng giá thị thật của nó.

* Và việc tự ý giao tài sản cho người khác không phải chủ sở hữu quản lý, sử dụng trái phép, thu lợi bất chính :

Ngày 21/10/2013, lợi dụng lúc bà Lê Thu Bạch Thủy đi vắng, bà Thái Thị Hương đến Chi cục THADS Đà Lạt trình báo bà Thủy bỏ đi khỏi địa phương và xin được quản lý nhà đất, căn cứ vào lời trình bày này, chấp hành viên Nguyễn Ngọc Thiện đã tự ý lập biên bản làm việc với bà Thái Thị Hương, trong đó có nội dung giao toàn bộ khách sạn Bạch Thủy II cho bà Hương trông coi quản lý.

Theo quan điểm của luật sư Thanh, việc chấp hành viên tự ý giao cho bà Hương quản lý toàn bộ tài sản nhà đất thuộc sở hữu của bà Thủy, là trái với điểm a khoản 1 Điều 58 và Khoản 1 Điều 112 Luật THADS quy định về Bảo quản tài sản thi hành án và tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên, theo đó người được ưu tiên giao bảo quản tài sản phải là người bị thi hành án (là chủ sở hữu tài sản), đối tượng ưu tiên giao thứ hai là người thân thích của người phải thi hành án, không có qui định giao cho người được thi hành án.

ĐẾN VIỆC BÀ THÁI THỊ HƯƠNG NGANG NHIÊN CHIẾM GIỮ, SỬ DỤNG TRÁI PHÉP TÀI SẢN

Hiện bà Thái Thị Hương đã chiếm giữ toàn bộ nhà đất thuộc sở hữu của bà Thủy, đồng thời tổ chức kinh doanh lưu trú trái phép từ tháng 10/2013 dưới danh nghĩa “Khách sạn Tân Sinh Hương”. Bà Lê Thu Bạch Thủy đã liên tục tố cáo, khiếu nại đến cơ quan thi hành án cũng như các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn không thể xử lý, bởi bà Hương có “lá bùa hộ mệnh” là biên bản giao nhà do chấp hành viên Nguyễn Ngọc Thiện lập ngày 21/10/2013. Liệu đây có phải là một hành vi xiết nợ hợp pháp, đặc biệt hơn là tài sản bị xiết lớn gấp gần chục lần số nợ ? Điều lạ là khi bà Thủy còn đang kinh doanh đối với tài sản hợp pháp của mình, thì ông chấp hành viên lại phát văn bản kiến nghị Sở kế hoạch đầu tư thu hồi giấy phép; nay bà Hương kinh doanh bất chính, thì ông Thiện lại im lặng một cách khó hiểu, dù đã nhiều lần nhận được đơn tố cáo của bà Thủy?

Đến nay đã 9 tháng trôi qua, mặc dù khiếu nại nhiều nơi nhưng bà Thủy vẫn chưa được giải quyết để vào được nhà của mình ! Vì sao có sự ngang nhiên xem thường pháp luật này, rõ ràng là một câu hỏi cần có lời giải đáp từ các cơ quan chức năng.

Từ những căn cứ được phân tích theo hồ sơ, luật sư Trần Văn Thanh nhận định : Trong vụ việc này, chấp hành viên Nguyễn Ngọc Thiện đã có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu lạm quyền trong khi thực thi chức trách được giao, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người phải thi hành án là bà Lê Thu Bạch Thủy. Thiết nghĩ, những sai phạm này cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm minh, nhằm làm trong sạch đội ngũ thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu quả của hoạt động cải cách tư pháp./.

LAM GIANG

Đối tác - Khách hàng