LUẬT VIỆT THANH
  
Tư vấn Luật hình sự » BÀN VỀ QUY ĐỊNH MIỄN HÌNH PHẠT TẠI ĐIỀU 59 BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015.
BÀN VỀ QUY ĐỊNH MIỄN HÌNH PHẠT TẠI ĐIỀU 59 BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015.

Miễn hình phạt là việc Tòa án không buộc người phạm tội phải chịu hình phạt về tội phạm mà người đó đã thực hiện, khi đáp ứng các điều kiện do luật định. Phạm vi miễn hình phạt bao gồm miễn hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Hiện nay, BLHS năm 2015 quy định về miễn hình phạt tại Điều 59 và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 (gọi tắt Dự thảo) không có sửa đổi, bổ sung gì về quy định này. Quy định về miễn hình phạt cũng được ghi nhận tại Điều 54 BLHS năm 1999 nhưng khi Điều 59 BLHS năm 2015 ra đời thì có nội dung hoàn toàn khác so với quy định BLHS năm 1999. Do đó, bài viết này, tập trung đánh giá tổng quan ưu điểm và nhược điểm nội dung quy định về miễn hình phạt tại Điều 54 BLHS năm 1999 và Điều 59 BLHS năm 2015, từ đó làm cơ sở đề xuất, góp ý cho Dự thảo hoàn thiện quy định về miễn hình phạt trong BLHS năm 2015.(Thẩm tra viên Đặng Văn Quyết - TANDQ10).

Thứ nhất, xét về điều kiện được miễn hình phạt.
Hiện nay, quy định miễn hình phạt tại Điều 54 BLHS năm 1999 và Điều 59 BLHS năm 2015 là khác nhau. Theo Điều 54 BLHS năm 1999 quy định: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”. Như vậy theo quy định trên thì người bị kết án có thể được miễn hình phạt khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau:
+ Điều kiện 1: Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999. Điều này có nghĩa là người bị kết án phải có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và phải là tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999. 
+ Điều kiện 2: Người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt. Hội đồng xét xử sẽ đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội được thực hiện, mức độ hậu quả gây thiệt hại, nhân thân người phạm tội,…để xem xét người phạm tội có đáng được khoan hồng đặc biệt hay không. 
+ Điều kiện 3: Người phạm tội chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự. Điều kiện này là kết quả của sự đánh giá tổng quan của hai điều kiện trên. Chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự có thể là chưa đủ mức độ giảm nhẹ đến mức để miễn trách nhiệm hình sự hoặc không nằm trong các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể trong BLHS. 
Theo quy định tại Điều 59 BLHS năm 2015 lại có nội dung quy định về miễn hình phạt như sau: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”.
Theo quy định trên thì người bị kết án có thể được miễn hình phạt nếu người này cũng thỏa mãn ba điều kiện sau:
+ Điều kiện 1: Người phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015. 
+ Điều kiện 2: Người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt. 
+ Điều kiện 3: Người phạm tội chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự. 
Như vậy, khi xem xét ba điều kiện được miễn hình phạt giữa Điều 54 BLHS năm 1999 và Điều 59 BLHS năm 2015 thì điều kiện 2 và điều kiện 3 là giống nhau. Tuy nhiên, so sánh điều kiện 1 thì Điều 54 BLHS năm 1999 và Điều 59 BLHS năm 2015 có sự khác nhau về nội dung. Theo Điều 54 BLHS năm 1999 thì người bị kết án được miễn hình phạt khi người này có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999. Trong khi đó, Điều 59 BLHS năm 2015 thì quy định người phạm tội phải thỏa mãn điều kiện được quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 54 BLHS năm 2015, tức là người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và phải là người giúp sức phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm mà có vai trò không đáng kể. Tác giả cho rằng, cách thức quy định của BLHS năm 2015 về điều kiện này là không hợp lý, vì các lý do sau:
+ Một là, xét về bản chất nội dung của điều kiện 1 thì cả Điều 54 BLHS năm 1999 và Điều 59 BLHS năm 2015 đều quy định cho người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định trong BLHS. Trong khi, Điều 54 BLHS năm 1999 dẫn chiếu trực tiếp đến điều khoản quy định về tình tiết giảm nhẹ thì Điều 59 BLHS năm 2015 lại dẫn chiếu điều kiện này gián tiếp qua điều luật khác – Điều 54 quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Chính vì vậy việc dẫn chiếu điều kiện tại Điều 59 BLHS năm 2015 qua điều kiện quy định tại Điều 54 BLHS năm 2015 là không cần thiết. Để đảm bảo những quy định của luật đơn giản, thống nhất, dễ hiểu, góp phần hiệu quả trong quá trình áp dụng pháp luật, tác giả đề xuất Dự thảo nên sửa đổi, bổ sung Điều 59 BLHS năm 2015 theo hướng dẫn chiếu điều kiện được miễn hình phạt trực tiếp đến khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
+ Hai là, xét điều kiện 1 quy định tại Điều 59 BLHS năm 2015 thì người phạm tội chỉ được miễn hình phạt nếu người này thỏa mãn khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015. Điều này có nghĩa là người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và là người giúp sức phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể. Như vậy, do sử dụng thuật ngữ từ “và” như quy định hiện nay thì Điều 59 BLHS năm 2015 sẽ được hiểu chỉ áp dụng miễn hình phạt cho người giúp sức phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm khi người này có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Cách hiểu như vậy, sẽ giới hạn lại đối tượng được áp dụng miễn hình phạt, chỉ áp dụng miễn hình phạt cho người giúp sức trong vụ án đồng phạm. Do đó, tác giả cho rằng nội dung quy định tại Điều 59 BLHS năm 2015 là chưa phù hợp.
+ Ba là, Điều 59 BLHS năm 2015 khi quy định điều kiện để người bị kết án được miễn hình phạt còn đề cập đến trường hợp nếu người phạm tội là người giúp sức phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm có vai trò không đáng kể thỏa mãn điều kiện luật định thì cũng được Tòa án xem xét để miễn hình phạt. Tác giả cho rằng, quy định này là không phù hợp. Bởi vì, quy định về miễn hình phạt là quy định xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự, sự khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội. Do đó, theo quan điểm của tác giả, chỉ cần quy định người bị kết án thỏa mãn các điều kiện luật định thì có thể được xem xét miễn hình phạt. Trong vụ án đồng phạm, không phụ thuộc vào vai trò của người đồng phạm, nếu người đồng phạm nào thỏa mãn đầy đủ các điều kiện về miễn hình phạt thì có thể được miễn hình phạt đối với người đồng phạm đó, quy định như vậy sẽ bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự.
Từ nội dung phân tích nêu trên, tác giả cho rằng Điều 59 BLHS năm 2015 về miễn hình phạt là chưa phù hợp, nhưng Dự thảo lại không có sửa đổi, bổ sung gì đối với quy định tại Điều 59 BLHS năm 2015 là hoàn toàn không hợp lý.

Đối tác - Khách hàng