LUẬT VIỆT THANH
  
Tin tức trong ngày » Bỏ giấy chứng nhận đầu tư: Nhà đầu tư không thích!

Bỏ giấy chứng nhận đầu tư: Nhà đầu tư không thích!

Trong bản dự thảo mới nhất được thảo luận tại kỳ họp Quốc Hội vừa qua, Chính phủ đã đề xuất bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Theo tờ trình của Chính phủ, đề xuất này nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đồng thời góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.

 

Kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế cho nhà đầu tư nước ngoài từ năm 1987, giấy phép đầu tư và sau này là giấy chứng nhận đầu tư được coi là cơ sở để nhà đầu tư triển khai hoạt động của dự án đầu tư và là căn cứ áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và các thủ tục liên quan khác theo quy định của pháp luật đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Đây cũng chính là thủ tục đầu tiên buộc tất cả các công ty nước ngoài phải trải qua nếu muốn đầu tư vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong buổi trình bày trước Quốc Hội về dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, cho rằng việc bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư theo phương án nêu trên “là bước cải cách đột phá trong quản lý đầu tư tại Việt Nam”.

“Trong bối cảnh pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể về các điều kiện kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh đối với từng ngành nghề thì quy định nêu trên vừa tạo gánh nặng thủ tục hành chính không cần thiết, vừa dẫn đến trùng lặp trong quản lý nhà nước”, ông Vinh nói.

Trên thực tế, quy định về cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài được coi là một trong những nguyên nhân cản trở tiến độ đầu tư của các công ty nước ngoài, khi nhiều nhà đầu tư than phiền rằng thời hạn cấp giấy phép quá lâu đã ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của họ.

Trường hợp của JFE Steel (Nhật) là một ví dụ. Hồi tháng 3.2012, JFE Steel tuyên bố sẽ mua lại phần lớn cổ phần của E-United Steel (Đài Loan) tại dự án thép nằm trong Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi. Hơn 2 năm sau khi tuyến bố trên được đưa ra, JFE Steel vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này. Ông Vinh cho rằng số nhà đầu tư phải chờ đợi giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian dài như JFE không phải là ít.

Vậy bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận có phải là giải pháp cho vấn đề này? Có một điều trái ngược với suy nghĩ của các nhà làm luật, đó là dù việc lấy giấy chứng nhận đầu tư có khó khăn, nhưng nếu nói bỏ quy định cấp giấy chứng nhận đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng cho rằng đây là điều tốt cho họ.

“Một số nhà đầu tư và doanh nghiệp không coi việc sửa đổi này là tạo thuận lợi cho họ vì giấy chứng nhận đầu tư là cơ sở pháp lý để làm các thủ tục có liên quan đến dự án đầu tư như cấp đất, xây dựng, môi trường”, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho biết.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc công ty kiểm toán và tư vấn KPMG tại Việt Nam, thậm chí còn nhận xét giấy chứng nhận đầu tư được coi như là “bùa hộ mệnh” của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi họ làm việc với các cơ quan nhà nước như hải quan hoặc cơ quan thuế.

Điều này có thể hiểu được vì giấy chứng nhận đầu tư không chỉ thể hiện cam kết của nhà đầu tư đối với dự án, mà còn là bằng chứng thể hiện cam kết của Chính phủ đối với nhà đầu tư như ưu đãi về thuế hoặc giá đất. “Nhà đầu tư sợ rằng khi chính sách thay đổi, những ưu đãi mà họ đang được hưởng có thể không còn nữa, nên muốn giữ giấy chứng nhận đầu tư như là một bằng chứng,” ông Ái nhận xét.

LG, chẳng hạn, khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư xây dựng dự án sản xuất các sản phẩm điện tử với tổng vốn 1,5 tỉ USD tại Hải Phòng cũng đã ghi hết những ưu đãi được hưởng vào giấy chứng nhận đầu tư. Bằng cách đó, dù chính sách ưu đãi sau này có thay đổi, LG cũng không phải mất thời gian đi giải trình và băn khoăn liệu mình có còn được giữ nguyên ưu đãi nữa hay không.

Còn ông Mại thì cho rằng trong điều kiện năng lực quản lý nhà nước của một số địa phương còn hạn chế, việc bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thông thường sẽ không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư và làm giảm hiệu năng quản lý nhà nước.

“Trên thực tế, việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận đầu tư ở nhiều địa phương là khá dễ dàng và không tốn nhiều thời gian. Nếu áp dụng rộng rãi việc đăng ký qua mạng thì còn thuận lợi hơn. Do vậy, nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định loại bỏ giấy này đối với dự án thông thường”, ông nói. 

Đối tác - Khách hàng