LUẬT VIỆT THANH
  
Tin tức pháp luật » Ai đi tù, người ký hay người quyết định?

Ai đi tù, người ký hay người quyết định?

Đối với pháp nhân, khi xảy ra thiệt hại, rủi ro từ một giao dịch, một thương vụ, trách nhiệm thuộc về ai? Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, việc ký kết do một người thực hiện, nhưng người quyết định lại là người khác.

Không giống doanh nghiệp tư nhân, ông chủ cũng là người đại diện, là người quyết định và chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình; với các CTCP, công ty TNHH, có 2 loại thẩm quyền được phân biệt rõ rệt, đó là thẩm quyền thông qua và thẩm quyền đại diện.

Khi giao kết với một pháp nhân thì thẩm quyền đại diện là yếu tố mà đối tác phải biết, phải tuân thủ, bởi hợp đồng bắt buộc phải ký bởi người có thẩm quyền đại diện. Theo quy định của pháp luật, có 3 cá nhân được quyền đại diện cho pháp nhân ký kết hợp đồng, đảm bảo giá trị pháp lý.

Thứ nhất là người đại diện đương nhiên theo pháp luật, tức người được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thứ hai là người được người đại diện ủy quyền và thứ ba là người được ủy quyền lại trên cơ sở người đại diện ban đầu cho phép.

Thực tế, thẩm quyền quyết định và thông qua là thẩm quyền quan trọng nhất của doanh nghiệp, bởi khi một giám đốc làm bừa, chi tiêu, đầu tư, mua sắm tài sản, ra quyết định kinh doanh có trọng số rủi ro lớn thì có thể làm phá sản một doanh nghiệp. Pháp nhân không phải cá nhân, cá nhân tự làm tự chịu, “bút sa gà chết”, nhưng pháp nhân có hàng trăm, hàng nghìn người trong tổ chức, một người ra quyết định mà ý chí không phù hợp với tổ chức thì sẽ gây họa cho tổ chức. Do đó, trong doanh nghiệp, vấn đề thẩm quyền thông qua rất được coi trọng.

Ngay trong Luật Doanh nghiệp cũng đưa ra quy định, những giao dịch có giá trị từ 50% tài sản có trong báo cáo tài chính gần nhất thì phải được HĐQT, HĐTV thông qua. Thậm chí, có những loại giao dịch đòi hỏi thẩm quyền thông qua là ĐHCĐ. Với giao dịch này, đối tác bắt buộc phải biết thẩm quyền thông qua và kiểm tra xem liệu giao dịch đó, hợp đồng đó đã được cấp có thẩm quyền trong doanh nghiệp thông qua hay chưa.

Tuy nhiên, có những vấn đề thẩm quyền, đối tác không buộc phải biết, nhưng nội bộ doanh nghiệp phải biết. Ví dụ, trong ngân hàng, để thông qua một khoản tín dụng, có nhiều cấp xét duyệt như HĐQT, Hội đồng tín dụng, Ban tín dụng, cấp phê duyệt, giám đốc chi nhánh… Một khoản đầu tư hay các hoạt động nguồn vốn cũng được xem xét ở nhiều cấp: Ủy ban Quản lý tài sản nợ có (ALCO) và rất nhiều bộ phận khác.

Nhiều doanh nghiệp cũng có phân cấp, phân quyền, chẳng hạn hợp đồng có giá trị bao nhiêu đó tùy thuộc quy mô của công ty thì giám đốc có thẩm quyền quyết định và ký. Với hợp đồng có giá trị lớn hơn mức đó thì cấp quyết định là HĐQT, chủ tịch HĐQT…; giám đốc chỉ có trách nhiệm ký vào bản hợp đồng đã được thỏa thuận sẵn.

Nhưng chính chữ ký này dẫn đến việc các giám đốc sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như giao dịch, thỏa thuận đó có “vấn đề”. Ví dụ, vụ việc xảy ra tại một ngân hàng, theo phân cấp của ngân hàng thì giám đốc chi nhánh có thẩm quyền quyết định đối với các khoản vay từ 500 triệu đồng trở xuống. Với hợp đồng lên tới hàng triệu USD, việc phê duyệt những hợp đồng này thuộc thẩm quyền của Trung tâm hỗ trợ tín dụng và sau đó giải ngân qua chi nhánh, giám đốc chi nhánh chỉ thực hiện việc ký và giải ngân mà không tham gia vào các khâu kiểm soát khác trong quá trình cấp tín dụng.

Nhưng khi doanh nghiệp không trả được khoản nợ 24 triệu USD và cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự của chủ doanh nghiệp, thì vị giám đốc chi nhánh vẫn bị cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Một trường hợp khác, chủ tịch HĐQT một công ty từng niêm yết trên TTCK bị truy tố bởi đã chỉ đạo việc làm giả hồ sơ, lập hợp đồng khống để vay tiền của ngân hàng, sau đó không trả được nợ. Hợp đồng khống đó có giá trị trên 500.000 USD, thuộc thẩm quyền quyết định của chủ tịch HĐQT, sau đó chuyển cho tổng giám đốc ký. Tuy nhiên, vị tổng giám đốc này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, về bản chất, khi một hoạt động kinh doanh, một khoản đầu tư có rủi ro, đòi hỏi phải phân định rõ ràng trách nhiệm từng khâu.

“Cũng không thể cho rằng, người quyết định phải chịu trách nhiệm hết, bởi ví dụ như ngân hàng, ủy ban tín dụng có xem xét để quyết định thì phải căn cứ vào thông tin từ dưới trình lên, nếu cần thì kiểm tra lại, nhưng về độ xác thực của thông tin, chỉ có đơn vị kinh doanh, người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng là biết rõ nhất”, ông Hải nhận xét.

Mặc dù vậy, không loại trừ trường hợp, chi nhánh chỉ là triển khai một khoản tín dụng theo mệnh lệnh mà bên trên đã quyết định. Thậm chí, chi nhánh còn không biết rõ khách hàng bằng cấp trên hội sở.

“Thế nên, nếu cần nhìn nhận trách nhiệm thì phải chẻ nhỏ từng lỗi một, xem lỗi nào là nguyên nhân trực tiếp, hệ quả tất yếu từ đó mới phát sinh hậu quả rủi ro. Điều này đòi hỏi một kỹ thuật phân định trách nhiệm, nhưng cho đến nay, các ngân hàng chưa có được hệ thống phân định trách nhiệm này”, luật sư Trần Minh Hải nói.

Với các vụ án hình sự, khi có thiệt hại thì không nên chỉ căn cứ vào việc ai ký kết hợp đồng, mà cần phải xem xét theo bản chất nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.

“Phải xác định rõ ai là người chủ định làm việc đó, ai là người ra chủ trương cấp khoản tín dụng hay là chủ trương thực hiện giao dịch đó”, ông Hải nhấn mạnh.

Thực tế, thời gian qua, người ký khế ước giải ngân thường bị quy kết trách nhiệm, mà bỏ qua rất nhiều yếu tố về mặt quản lý rủi ro, chính sách hệ thống, hạn mức giao dịch… dẫn đến tình trạng chưa xem xét toàn diện.

Trong một buổi tòa đàm về tội phạm ngân hàng, ông Tào Ngọc Hải, Phó phòng An ninh tài chính - tiền tệ, đầu tư (Công an TP. Hà Nội) khuyến cáo, các giám đốc hãy thận trọng khi đặt bút ký, tránh sau này quàng “cái ách” trách nhiệm hình sự. Điều này có lẽ cũng là khuyến cáo chung cho giám đốc các doanh nghiệp.         

 
Đối tác - Khách hàng