LUẬT VIỆT THANH
  
Góc luật sư » KSV có quyền “chỉnh” luật sư tại tòa?

KSV có quyền “chỉnh” luật sư tại tòa?

Tại một phiên tòa, luật sư đang hỏi, kiểm sát viên chen ngang nhắc nhở luật sư “hỏi tập trung”… Theo luật, kiểm sát viên có quyền này hay không?

 

Ngày 11-6 vừa qua, TAND TP Tây Ninh (Tây Ninh) đã xử sơ thẩm vụ Phạm Văn Tho bị truy tố về ba tội cướp tài sản, trộm cắp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa này đã xảy ra một tình huống đáng chú ý về mặt tố tụng xoay quanh chuyện kiểm sát viên giữ quyền công tố “chỉnh” luật sư.

“KSV không có quyền nhắc nhở tôi”

Cụ thể, trong phần xét hỏi, khi luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM, người bảo vệ cho bị đơn dân sự) đang hỏi thì kiểm sát viên Nguyễn Anh Điền (VKSND TP Tây Ninh, người giữ quyền công tố) chen ngang: “Đề nghị luật sư không được hỏi vặn lại người được hỏi mà hỏi tập trung vào việc hỏi để bảo vệ bị đơn dân sự”.

Bức xúc vì bị cắt ngang, luật sư Tuấn phản ứng: “Xin thưa, vị đại diện VKS không có quyền lưu ý, nhắc nhở tôi. Tư cách tham gia phiên tòa của tôi và vị đại diện VKS là ngang nhau, không nên dùng quyền của mình để hạn chế quyền của luật sư. Tôi sẽ làm kiến nghị gửi viện trưởng VKSND TP Tây Ninh đề nghị xem xét hành vi của ông”.

Quang cảnh phiên xử bị cáo Phạm Văn Tho ngày 11-6 tại TAND TP Tây Ninh. Ảnh: T.TÙNG

 

Không chịu thua, kiểm sát viên Điền đáp: “Luật sư nên nhớ rằng ngồi ở đây tôi có hai quyền, quyền công tố và quyền kiểm sát các hoạt động tư pháp tại tòa. Tôi đang thực hiện quyền thứ hai mà pháp luật giao cho nên việc nhắc nhở là cần thiết và đúng luật”.

Ngay lập tức, luật sư Tuấn phản pháo: “Tôi phản đối cách hiểu của vị đại diện VKS. Giám sát hoạt động tư pháp hoàn toàn khác với quyền điều khiển phiên tòa. Việc cho phép ai trình bày, lưu ý, nhắc nhở ai thuộc quyền điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Nếu không bằng lòng việc gì đó thì vị đại diện VKS chỉ có quyền kiến nghị yêu cầu chủ tọa nhắc nhở mà thôi. Nếu vị đại diện VKS tôn trọng tôi thì phải để tôi nói hết sau đó đề nghị chủ tọa lưu ý tôi thì tôi chịu chứ không có quyền chen ngang như vậy”.

Đến đây, chủ tọa phiên tòa vội nói: “Thôi, đề nghị hai bên không tranh luận nữa. Thay mặt HĐXX, tôi lưu ý luật sư thực hiện việc xét hỏi với tư cách là bảo vệ cho bị đơn dân sự. Xin mời luật sư tiếp tục phần hỏi của mình”…

Chỉ được đề nghị tòa nhắc nhở

Từ tình huống tranh cãi trên, vấn đề đặt ra là tại phiên tòa hình sự, đại diện VKS có quyền nhắc nhở, lưu ý luật sư khi luật sư đang thực hiện công việc của mình hay không. Động thái này là thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp hay là sự “lấn sân” quyền điều khiển phiên tòa của chủ tọa phiên tòa?

Tất cả chuyên gia mà chúng tôi trao đổi đều đồng tình rằng trong trường hợp này, kiểm sát viên đã nhầm lẫn giữa việc thực hiện chức năng kiểm sát xét xử với việc thực thi quyền điều khiển phiên tòa của chủ tọa phiên tòa.

Luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết Điều 185 BLTTHS quy định thẩm phán chủ tọa phiên tòa điều khiển việc xét xử tại tòa và giữ kỷ luật tại phiên tòa. Theo Điều 192 BLTTHS thì chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án. Điều 207 BLTTHS cũng quy định chủ tọa xét hỏi trước rồi đến các hội thẩm nhân dân, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa…

Theo luật sư Bình, pháp luật tố tụng hình sự không hề có quy định nào cho phép kiểm sát viên có quyền điều khiển phiên tòa thay cho thẩm phán chủ tọa nên việc kiểm sát viên “chỉnh” luật sư như trên là sai. Quyền này là của chủ tọa phiên tòa. Việc kiểm sát viên viện dẫn chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp là một cách hiểu sai. Bởi lẽ chức năng kiểm sát xét xử tại phiên tòa của VKS là kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng, trong đó chủ yếu là xem việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng. Nếu không đồng tình, kiểm sát viên có quyền nêu ý kiến đề nghị với chủ tọa ngay tại phiên xử và sau phiên xử có thể báo cáo tham mưu cho lãnh đạo VKS thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị.

Đồng tình, luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) nhấn mạnh: Nghị quyết 08/2002 và Nghị quyết 49/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã nói rõ nâng cao tính tranh tụng tại tòa trên cơ sở các chủ thể bình đẳng trong tranh tụng. Tại phiên tòa, kiểm sát viên và luật sư ngang hàng nhau nên các chủ thể này chỉ được tranh luận về vụ án chứ không có quyền phê bình, chỉ trích nhau trực tiếp và can thiệp vào việc thực hiện công việc của nhau. Nếu có lưu ý thì mỗi bên đều phải thông qua chủ tọa phiên tòa và quyết định cuối cùng thuộc chủ tọa phiên tòa.

THANH TÙNG

Cản trở luật sư tác nghiệp

Tôi đã từng gặp trường hợp tương tự. Thậm chí có phiên tòa tôi còn chứng kiến kiểm sát viên tự tuyên bố không cho phóng viên, nhà báo chụp ảnh trong khi quyền đó là của chủ tọa phiên tòa.

Theo tôi, việc lưu ý luật sư như tình huống trong bài về bản chất là cản trở việc tác nghiệp của luật sư. Nếu có bất cứ ý kiến gì thì kiểm sát viên cũng phải thông qua chủ tọa phiên tòa và để chủ tọa quyết định. Kiểm sát viên không thể viện dẫn chức năng kiểm sát xét xử tại phiên tòa bởi nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm tố tụng, kiểm sát viên chỉ có quyền kiến nghị trực tiếp với chủ tọa hoặc sau khi kết thúc phiên tòa thì kiến nghị bằng văn bản.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Đối tác - Khách hàng