LUẬT VIỆT THANH
  
Góc luật sư » Luật sư Jacques Verges: thầy cãi của quỷ
Jacques Verges - vị luật sư nổi tiếng

Tờ The Independence (Anh) đưa tin, Jacques Verges, vị luật sư người Pháp gốc Việt, được mệnh danh là "thầy cãi của quỷ" vừa qua đời hôm 15-8 ở tuổi 88 vì một cơn đau tim. Ông qua đời ngay chính trong căn phòng mà cách đây hơn hai thế kỷ, thi hào Voltaire trút hơi thở cuối cùng. Pierre-Guillaume de Roux, chủ biên cuốn hồi ký "Lời tự thú của tôi" viết về Jacques Verges, đã bình luận rằng ông "giống như Voltaire, đã khơi gợi lên thứ nghệ thuật của sự chống đối tức thời và tinh thần nổi loạn".

Jacques Verges được coi là một trong những luật sư giỏi nhất, thậm chí gây tranh cãi nhiều nhất, của nước Pháp. Ông tạo nên tên tuổi bởi dám chấp nhận bào chữa cho những thân chủ mà các luật sư khác tránh xa vì "không thể bào chữa nổi". Đó là các cựu đảng viên Đức Quốc xã, những kẻ đặt bom khủng bố, những nhà độc tài khét tiếng, và cả các phụ tá của họ.

Câu chuyện cuộc đời của luật sư Jacques Verges được ví như một cuốn tiểu thuyết, tuy nhiên có một chương bí ẩn trong cuốn tiểu thuyết mà ông không muốn công khai trước độc giả, đó là khoảng thời gian từ năm 1970 tới năm 1978 khi Verges gần như biến mất hoàn toàn.

Chiến thuật "phá vỡ" chống chủ nghĩa thực dân

Jacques Verges sinh ngày 5/3/1925 tại Thái Lan, có cha là bác sĩ kiêm nhà ngoại giao người Pháp và mẹ là một phụ nữ Việt Nam. Trong suốt thời thơ ấu, Verges sống trên hòn đảo Reunion, một thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ Dương. Tại đây, Verges đã trở thành nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc song hành với chủ nghĩa thực dân trong những năm 30.

Khắp nơi trên hòn đảo, Verges phải chứng kiến những cảnh tượng bất công, những tội ác xuất phát từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Ông phẫn nộ khi bị đối xử như một công dân "hạng 2", ám ảnh khi thấy những người dân bản xứ bị đối xử tệ bạc, và càng phẫn nộ hơn khi chứng kiến cảnh những người đàn ông châu Phi phải làm việc 14 tiếng/ngày tại các xưởng tàu mà chỉ được một chút thức ăn cho vào miệng.

Sẵn có thái độ căm ghét chủ nghĩa thực dân, Jacques Verges đã gia nhập đảng Cộng sản khi mới 15 tuổi. Hai năm sau, ông quyết tâm tham gia phong trào kháng chiến, tìm lại công bằng cho nhân dân các thuộc địa. Sau khi Đức Quốc xã bị đánh bại, nước Pháp nhanh chóng chuyển từ cuộc kháng chiến giành tự do sang cuộc chiến bảo vệ thuộc địa. Tuy nhiên, đối với Verges, đây là điều không thể chấp nhận được khi ông tận mắt chứng kiến cảnh quân đội Pháp đã "ra tay" đàn áp những người dân thành phố Constantine, Algeria khi họ nổi dậy đấu tranh chống người Pháp. Sự việc đã để lại một dấu ấn kinh hoàng cho Verges, khiến sự thất vọng của ông về khái niệm tự do ngày càng tăng.

Bị ám ảnh bởi công bằng xã hội, Jacques Verges quyết định tới Paris để học luật, và trở thành một trong những người chống đối chủ nghĩa thực dân rất tích cực. Verges cũng là một thanh niên có tài năng, có biệt tài phát biểu trước đám đông và thuyết phục mọi người nhìn nhận vấn đề theo cách của ông. Năm 1949, ông trở thành Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên thuộc địa và nhanh chóng biến nhóm này thành một tổ chức có vũ trang.

Đảng Cộng sản Pháp nhận biết được tài năng của Verges và năm 1950, các thành viên trong đảng cử ông tới Prague để lãnh đạo tổ chức thanh niên tại đây. Trong những năm 60, ông Verges tham gia đấu tranh giành độc lập cho Algeria vào đúng thời điểm các nước Pháp thuộc ở Bắc Phi vùng lên nhờ sự phản đối dữ dội bởi một phần lớn xã hội Pháp lúc bấy giờ.

Từ đây, Jacques Verges trở thành một luật sư chuyên theo đuổi những vụ án gây nhiều tranh cãi. Vụ án lớn đầu tiên mà Verges tham gia biện hộ liên quan tới nhóm chiến sĩ đảng Cộng sản chặn một đoàn tàu chở lính quân dịch sang Algeria năm 1954. Ông đã đấu tranh tích cực và cuối cùng đã giành chiến thắng. Jacques Verges tiếp tục "dùi mài và tranh đấu" trong các phòng xử án, đứng lên bảo vệ những người bị buộc tội khủng bố chống lại Pháp. Chiến lược của ông là "phá vỡ" với mục tiêu giành được sự chú ý của dư luận chứ không phải là chiến thắng về mặt pháp lý.

Sự nổi tiếng quá nhanh của Verges khiến ông trở nên có phần điên cuồng, táo bạo và phải trả giá. Chính chiến lược "phá vỡ" của ông đã khiến ông phải ở tù 2 tháng với tội danh “cố tình gây rối an ninh quốc gia”, đồng thời ông bị tước giấy phép hành nghề luật. Tháng 11/1960, Verges được trả tự do và ngay lập tức sử dụng chiến thuật "đánh vào tâm lý quần chúng", tận dụng cơ hội này để tuyên truyền quan điểm cho giới báo chí quốc tế nhằm biện hộ về các hành vi sai trái, "bịt miệng công lý" của chính quyền đã bỏ tù ông.

Ngay khi kẻ thù lâu năm của ông, chủ nghĩa thực dân, đã thảm bại tại Algeria, Jacques Verges lại tiếp tục đương đầu với một kẻ thù mới là Israel. Từ năm 1968, khi các phần tử vũ trang thuộc Mặt trận Giải phóng Palestine (PLO) bắt đầu tiến hành hàng loạt vụ không tặc, điển hình là vụ đánh cướp các máy bay của Hãng El Al năm 1969, Verges đã xuất hiện trước tòa với tư cách luật sư biện hộ cho các bị cáo.

Một lần nữa, Verges sử dụng chiến lược "phá vỡ" bằng cách tuyên bố rằng hành động của những phần tử khủng bố là vì mục đích chính trị, không phải là tội ác và chính Israel phải chịu trách nhiệm trước cái chết của những hành khách đi máy bay El Al.

"Thầy cãi" của những khách hàng khét tiếng

Nhiều tham vọng và khao khát được nổi tiếng nhưng Jacques Verges lại trở thành một luật sư tai tiếng nhất có lẽ bởi ông là người biện hộ cho một loạt những nhân vật "sừng sỏ và khét tiếng" nhất thế giới. Verges tích cực nhận tham gia những vụ liên quan tới chính trị và đặc biệt thích biện hộ cho những phần tử khủng bố, cả cánh tả và cánh hữu.

Hơn 40 năm trong nghề, Jacques Verges đã dũng cảm tiếp nhận những khách hàng rất đặc biệt, bao gồm những kẻ đứng đầu trong hàng ngũ Đức Quốc xã, thậm chí cả lãnh đạo các quốc gia lớn trên thế giới.

Đối tác - Khách hàng