LUẬT VIỆT THANH
  
Tư vấn Luật hình sự » Định tội danh không chính xác sẽ dẫn đến oan sai

1. Tội danh quyết định hình phạt

Để đưa một vụ án ra xét xử nghiêm minh đối với người phạm tội, trong đó vấn đề định tội danh là vô cùng quan trọng, có tính quyết định tới khung hình phạt. Định tội danh là cơ sở cần thiết đầu tiên cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Trên cơ sở xác định người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội gì, quy định tại điều, khoản nào của bộ luật Hình sự (BLHS), người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ quyết định một hình phạt phù hợp đối với hành vi phạm tội đó.

Vì thế, định tội được xem là tiền đề, điều kiện cho việc quyết định hình phạt đúng đắn. Định tội danh đúng không chỉ có ý nghĩa quyết định trong vụ án hình sự mà còn góp phần mang lại hiệu quả trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Tuy nhiên, vấn đề định tội danh và xác định khung hình phạt trong trường hợp có hành vi phạm tội thỏa mãn dấu hiệu của nhiều cấu thành tội phạm là một vấn đề phức tạp đang tranh luận trong thực tiễn cũng như trong lý luận khoa học hình sự.

Lấy ví dụ, cùng một hành vi phạm tội lừa đảo, nhưng mỗi người lại có quan điểm  khác nhau. Người cho là tội lừa đảo, người lại cho là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chính vì lẽ đó, thực tế đã có trường hợp định tội danh không đúng, sai tội danh đồng nghĩa với hình phạt không đúng. Trong trường hợp định tội không chính xác sẽ dẫn đến kết án sai, không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án, xử lý oan người vô tội, để lọt tội phạm, xử nhẹ hoặc nặng hơn so với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Định tội danh là môn khoa học pháp lý, do đó cần phải nghiên cứu khái niệm và các dấu hiệu đặc trưng cơ bản của tội phạm, làm rõ mối quan hệ giữa chúng với cơ sở trách nhiệm hình sự giúp cho người định tội nhận thức sâu sắc về bản chất của tội phạm từ đó đi đến một kết luận định tội chính xác. Ở đây tôi lưu ý là định tội danh sai, khác với việc không có tội mà vẫn truy tố.

Định tội danh sai trách nhiệm thuộc về ai?

Trong một vụ án hình sự cụ thể, đối tượng giết người trong trạng thái thần kinh bị kích động mạnh, nhưng tòa lại tuyên với mức án là 14 năm. Có ý kiến cho rằng mức án không đúng với tội danh, trong trường hợp đó trách nhiệm thuộc về ai?

Trong trường hợp này, trước tiên phải phân ra từng giai đoạn trong quá trình tố tụng. Giai đoạn cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang VKS, nếu VKS phát hiện việc khởi tố không đúng, không đầy đủ hoặc không cần thiết sẽ xảy ra hai khả năng. Thứ nhất, VKS sẽ trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, yêu cầu điều tra lại. Thứ hai VKS thấy đủ chứng cứ về tội danh khác thì VKS tự quyết định sẽ chuyển tội danh, ví dụ tội A sang tội B.

Giai đoạn tòa án nhận hồ sơ của VKS, nếu Tòa xét thấy VKS truy tố về tội danh không đúng hoặc chứng cứ yếu, tòa sẽ trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong trường hợp này có thể VKS chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu VKS không chấp nhận, tòa án vẫn phải thụ lý hồ sơ nhưng tòa án có quyền tuyên tội khác với điều kiện nhẹ hơn so với tội mà VKS đã truy tố (đây là quy định của luật). 

Trường hợp đối tượng giết người trong trạng thái thần kinh bị kích động mạnh nhưng lại bị truy tố vào Điều 93 (BLHS). Trong trường hợp này các chứng cứ đã đầy đủ và quá rõ ràng, nhưng  người tiến hành tố tụng lại đưa ra quyết định không đúng với tội danh, tùy theo mức độ, người đó phải chịu một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của luật công chức.

Tuy nhiên, trong trường hợp này phải có kết luận của cấp trên cho rằng, kết luận của tòa án là sai, việc này liên quan đến nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, do năng lực trình độ nghiệp vụ. Trường hợp cụ thể, nếu tòa xét xử, bản án đã có hiệu lực thì gia đình bị cáo có quyền chống án lên giám đốc thẩm, kháng nghị lại bản án. Giám đốc thẩm có thể hủy án phúc thẩm, tiếp đó ra thông báo rút kinh nghiệm nguyên nhân dẫn đến không đúng về mặt tội danh. VKS truy tố về tội danh không đúng thể hiện trình độ còn non kém, chưa chuẩn.

Có ý kiến cho rằng, chỉ có tòa án mới có quyền quy kết một người là có tội và phải chịu hình phạt theo quy định của BLHS. Do đó việc định tội danh sai, trách nhiệm cuối cùng thuộc tòa án.

Nói như vậy là chưa chính xác. Như đã phân tích ở trên, theo từng giai đoạn đối với những vụ án hình sự, định tội danh không chính xác, cách giải quyết theo từng giai đoạn trong tố tụng (kết luận điều tra chuyển tới VKS- Tòa án). Mặt khác kháng nghị giám đốc thẩm là cơ chế nhằm khắc phục sai lầm nghiêm trọng của tòa án trong việc giải quyết vụ án mà bản án, quyết định đó đã có hiệu lực, hoặc kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Tùy trường hợp cụ thể mà áp dụng hình thức kỷ luật theo mức độ nặng nhẹ, đối với người tiến hành tố tụng.

Đối tác - Khách hàng