LUẬT VIỆT THANH
  
Tư vấn Luật dân sự » Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình

Quyền yêu cầu ly hôn được pháp luật quy định như thế nào

Quyền ly hôn được quy định tại Điều 85, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, theo đó thì: Về nguyên tắc vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.Tuy nhiên có một hạn chế đó là trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn còn người vợ cẫn có quyền xin ly hôn.

 1. Quy định về hạn chế quyền ly hôn.

Hạn chế quyền ly hôn được quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Vấn đề hạn chế quyền yêu cầu ly hôn được đặt ra như sau:

"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.

2. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn."

Quy định này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 6 Nghị quyết 02/2000/NQ - HĐTP ngày 23/12/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

Theo quy định tại Điều 85 thì người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn khi vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Luật chỉ quy định "vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi". Do đó, khi người vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai thì chồng đều không có quyền yêu cầu ly hôn.

-Trong trường hợp vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà người chồng có yêu cầu xin ly hôn, thì giải quyết như sau:

-Trong trường hợp chưa thụ lý vụ án thì Toà án áp dụng Khoản 24 Điều 1 Bộ Luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 trả lại đơn kiện cho người nộp đơn.

- Trong trường hợp đã thụ lý vụ án thì Toà án cần giải thích cho người nộp đơn biết là họ chưa có quyền yêu cầu xin ly hôn. Nếu người nộp đơn rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án áp dụng Khoản 31 Điều 1 Bộ Luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Nếu người nộp đơn không rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và quyết định bác yêu cầu xin ly hôn của họ.

Bên cạnh đó, Điểm c mục 10 Nghị quyết 02/2000/NQ - HĐTP cũng có quy định: “Cần chú ý là tuy pháp luật tố tụng chưa quy định, nhưng đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Toà án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Toà án giải quyết việc xin ly hôn”.

- Trường hợp người vợ có thai mà đã bị xảy thai hoặc sau khi sinh con, đứa con bị chết thì người chồng sẽ không bị hạn chế quyền ly hôn.

Một điểm nữa thấy trong qui định này đó là trường hợp hạn chế yêu cầu ly hôn chỉ áp dụng với người chồng mà không áp dụng đối với người vợ. Trong mọi khoảng thời gian, dù người vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu xét thấy tình cảm yêu thương giữa vợ chồng đã hết, mâu thuẫn gia đình đến mức sâu sắc, mục đích của hôn nhân không đạt được; nếu duy trì sẽ bất lợi cho người vợ, ảnh hưởng tới sức khỏe của người vợ hoặc thai nhi hay trẻ sơ sinh mà người vợ có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện theo thủ tục chung.

2. Ý nghĩa của qui định hạn chế yêu cầu ly hôn.

Đây là một nguyên tắc thể hiện sâu sắc tính nhân văn và tiến bộ trong tư tưởng cũng như bản chất nội dung pháp luật nước ta nói chung và pháp luật về hôn nhân gia đình nói riêng. Quyền lợi của trẻ em và phụ nữ - những người yếu thế - được pháp luật tôn trọng, đề cao và bảo vệ chặt chẽ.

Qua sự phân tích những khía cạnh của qui định hạn chế yêu cầu ly hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 trên đây cho thấy qui định có ý nghĩa pháp lý to lớn và ý nghĩa đạo lý:

- Quy định này được đặt ra nhằm bảo vệ bà mẹ và trẻ em, cũng như bảo vệ phụ nữ có thai và thai nhi. Bởi cần phải xác định rằng, trong quan hệ vợ chồng, việc sinh đẻ không phải đơn thuần là việc riêng của người vợ, đó là việc chung, là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng. Mặt khác, sinh đẻ là chức năng xã hội của gia đình. Vì vậy, phải thấy được trách nhiệm chung đó để giải quyết vấn đề ly hôn cho thoả đáng, hợp lý, hợp tình nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và của con cái, bảo vệ lợi ích của gia đình và xã hội.

- Quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn đã thể hiện và làm cụ thể chi tiết một trong nguyên tắc của luật hôn nhân và gia đình đó là nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em, bảo vệ phụ nữ có thai và thai nhi – một nguyên tắc mang tính toàn cầu.

Đối tác - Khách hàng