LUẬT VIỆT THANH
  
Tư vấn Luật lao động » Về thời gian nghỉ thai sản dành cho lao động nữ

CHẾ ĐỘ THAI SẢN CHO LAO ĐỘNG NỮ

Theo quy định tại Điều 157 Chương X, Bộ luật Lao động sửa đổi (BLLĐ) đã được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 18/6/2012, bắt đầu có hiệu lực từ 1/5/2013 về thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ: 

Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng thay vì 4 tháng như hiện nay. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Trong đó, nếu đến ngày 1/5/2013 mà lao động nữ vẫn đang trong thời gian nghỉ thai sản thì sẽ được hưởng chế độ theo BLLĐ mới.

Trường hợp hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định trên mà phát sinh nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

Lao động nữ có thể trở lại làm việc trước thời gian nghỉ thai sản theo quy định nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe, và được người sử dụng lao động đồng ý. Lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Các quy định về chế độ thai sản theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH):

1.   Đối tượng áp dụng chế độ thai sản:

Là người lao động theo quy định của Luật BHXH, bao gồm:

·                       Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

·                       Cán bộ, công chức, viên chức;

·                       Công nhân quốc phòng, công nhân công an;

·                       Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân.

2.   Điều kiện hưởng chế độ thai sản:

Lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lao động nữ mang thai, lao động nữ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi, người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

Đồng thời người lao động quy định thuộc trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.  

3.   Mức hưởng chế độ thai sản ( điều 34 Luật BHXH):   

Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định, mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

4.   Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:

Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định Điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật BHXH mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm.

Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.
Đối tác - Khách hàng